Dấu ấn Tổ công nghệ số
cộng đồng
Gần dân, sát dân, nhiệt tình, trách
nhiệm và hiệu quả là dấu ấn của Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) để lại
trong lòng người dân các địa phương sau hơn một năm đi vào hoạt động. 2.160
Tổ CNSCĐ với hơn 16 nghìn thành viên nòng cốt là lực lượng đoàn viên, thanh
niên được thành lập ở 100% thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư đã phát huy
vai trò làm cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân trong triển
khai thực hiện các nội dung chuyển đổi số (CĐS). Bằng cách “đi từng ngõ,
gõ từng nhà”, Tổ CNSCĐ đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các
ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến... khi có
nhu cầu, góp phần thúc đẩy tiến độ CĐS từ cấp cơ sở.
Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân đến
giao dịch hành chính tại bộ phận một cửa thành phố Nam Định.
Thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư,
định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm
nhìn đến năm 2030 của Chính phủ, hơn một năm nay, ngoài nhiệm vụ chuyên môn,
đội ngũ cán bộ, công chức trẻ của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh
lại cùng thành viên các Tổ CNSCĐ tranh thủ thời gian, không nề hà sớm,
tối đi hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu
chính công ích khi cần làm thủ tục hành chính; cài đặt một số ứng dụng cơ
bản, thiết yếu như các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt, tra cứu
thủ tục hành chính, dịch vụ công, cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định
danh điện tử VneID... Với phương châm “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, các
thành viên trong tổ đã tích cực tham gia các lớp tập huấn do Sở Thông tin và
Truyền Thông (TT và TT) và UBND các huyện, thành phố tổ chức để hướng dẫn
người dân. Mục tiêu các Tổ CNSCĐ đặt ra là hỗ trợ mỗi gia đình có
ít nhất một người biết sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ trên thiết bị
điện thoại thông minh để làm “hạt nhân” tuyên truyền viên, hướng dẫn
cho các thành viên khác trong gia đình.
Bà Trần Thị Thanh, tổ dân phố số 1, phường Trường Thi (thành phố
Nam Định) cho biết: Tôi được các con sắm cho điện thoại thông minh từ lâu và
hướng dẫn sử dụng mấy tính năng nghe gọi bằng video call để con cháu
ở xa cũng thăm hỏi nhìn thấy mẹ/bà hàng ngày. Nhưng những tính năng khác
tôi hầu như không dùng. Tuy nhiên khi các thành viên của Tổ CNSCĐ đến tuyên
truyền về chủ trương thực hiện CĐS của tỉnh và hướng dẫn sử dụng các tiện
ích khác như cách thanh toán trực tuyến, tra cứu thủ tục hành chính;
hỗ trợ cài đặt định danh điện tử... tôi cố gắng thực hành thường xuyên
nên dần quen, nhớ hết những thao tác. Đến nay tôi đã mạnh dạn cài đặt app ngân
hàng trực tuyến (bank online) để nhận chuyển tiền của ngân hàng, thanh toán
hóa đơn tiền điện, tiền nước, viễn thông, truyền hình cáp và tự tra cứu thủ tục
hành chính qua cổng dịch vụ công trực tuyến để chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ
trước khi đến trụ sở giao dịch. Bây giờ tôi không còn phải trông
ngóng đến ngày đến giờ đi nộp tiền các dịch vụ đúng hạn. Tôi đánh giá rất cao
vai trò của Tổ CNSCĐ trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hành
CĐS, nhất là cảnh báo giúp chúng tôi không sa vào các tình huống lừa
đảo trên mạng.
Đồng chí Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở TT và TT cho biết:
Với sự góp sức của Tổ CNSCĐ, nhận thức và kỹ năng số của người dân đã
được cải thiện từ việc sử dụng công nghệ thông tin cơ bản cho đến những khía
cạnh phức tạp hơn như an ninh mạng và quản lý dữ liệu, người dân đã trở nên tự
tin hơn trong việc sử dụng công nghệ số trong cuộc sống hàng ngày. Điều này
không chỉ giúp họ tận dụng, thụ hưởng các cơ hội từ cuộc cách mạng công
nghệ, mà còn là nền tảng để thúc đẩy phát triển xã hội số. Đến giữa
năm 2023, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến tăng lên đáng kể. Số
hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt trên 90% tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cơ
quan quản lý Nhà nước tiếp nhận. Toàn tỉnh đã có 852.579 tài khoản định danh
điện tử mức 1, mức 2 được kích hoạt, đạt 100%, đứng thứ 2 toàn quốc;
gần 1,5 triệu người được đồng bộ số thẻ căn cước công dân
với thẻ bảo hiểm y tế, đạt 88,16%; 284/284 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện
tiếp nhận người bệnh thay thế bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn
chip.
Hoạt động của Tổ CNSCĐ trong thời gian qua đã cho thấy đây thực
sự là “cánh tay nối dài” hiệu quả của Ban Chỉ đạo CĐS các cấp, là giải pháp
quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình CĐS. Đây cũng
là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà địa phương đã và đang triển
khai, qua đó góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tiến trình CĐS. Để tiếp tục
phát huy vai trò của Tổ CNSCĐ, thời gian tới Sở TT và TT tiếp tục tổ chức tập
huấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành viên, từ đó lan tỏa,
đưa công nghệ số đến với mọi tầng lớp nhân dân. Nâng cao nhận thức của chính
quyền, người dân ở một số địa phương về vai trò Tổ CNSCĐ; hướng dẫn Tổ CNSCĐ
xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể từng thời điểm, từng giai đoạn cũng như bổ
sung kiến thức và cách thức tiếp cận nhân dân cho các thành viên; đề xuất cơ
chế động viên, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động của Tổ CNSCĐ. /.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Báo Nam Định