Mang nền tảng số đến
với mỗi gia đình
Mang nền tảng số đến hộ gia đình là mục tiêu
quan trọng trong phát triển các trụ cột kinh tế số (KTS), xã hội số (XHS) của
nước ta để mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số và được
tham gia, thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số (CĐS)
Người dân xã Trực Cường (Trực Ninh) ứng dụng
dịch vụ thanh toán điện tử trong giao dịch hàng hóa.
Để mang nền tảng số đến hộ gia đình, ngay từ khi triển
khai công cuộc CĐS, tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng số một cách bài
bản, làm cơ sở đưa 35 nền tảng số vào ứng dụng thực tế và liên tục cập nhật mới
phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tỉnh đã hoàn thành xây dựng Trục liên
thông văn bản của tỉnh kết nối liên thông với hệ thống của quốc gia, đáp
ứng việc gửi, nhận văn bản điện tử đến 100% các cơ quan Đảng, đoàn thể, Nhà
nước trên địa bàn tỉnh và liên thông đến các bộ, ban, ngành Trung ương,
các tỉnh, thành phố. Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu (CSDL) chia sẻ, tích
hợp dùng chung của tỉnh đã kết nối, chia sẻ với nền tảng của quốc gia; kết
nối Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh với Cổng cung cấp dịch
vụ công quốc gia và các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về đăng ký doanh
nghiệp; CSDL quốc gia về dân cư; CSDL quốc gia về bảo hiểm; CSDL đất đai quốc
gia; CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; nền tảng tiêm chủng COVID-19;
hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và
quản lý hộ tịch; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; hệ thống
thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan Nhà nước phục vụ
phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam; hệ thống thông tin Liên thông tài nguyên
và môi trường - thuế; hệ thống phục vụ dịch vụ công của Tổng Công ty Bưu
điện Việt Nam; hệ thống mã bưu chính Vpostcode.
Ngay trong năm 2023, nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung của
tỉnh đã kết nối CSDL với nền tảng quản lý cán bộ, công chức, viên chức quốc
gia; kết nối giữa cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh và cổng Dịch vụ
công chữ ký công cộng; kết nối dịch vụ công trực tuyến với hệ thống phần mềm
đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến. Đặc biệt Sở
Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành kết nối hệ
thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh với phần mềm dịch vụ
công liên thông và tổ chức triển khai thực hiện liên thông điện tử đối với hai
nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo
hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ
cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng. Đặc biệt, Sở Thông tin và
Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin để
thiết lập nên các nền tảng trên, do đó dễ dàng điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp
với người dân. Bên cạnh những nền tảng phục vụ công tác quản lý Nhà nước, hỗ
trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính và tương tác với chính quyền, Ban
Chỉ đạo CĐS tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin
triển khai nhiều nền tảng ứng dụng phát triển KTS và XHS thuộc các lĩnh
vực giải trí; mua bán trao đổi, thanh toán; giáo dục, sức khỏe và an toàn
thông tin mạng để phục vụ người dân. Đây là cơ sở để người dân thực hiện thanh
toán điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu
và mua sắm trực tuyến, kinh doanh, học tập, khám, chữa bệnh, giải trí…
Để mang nền tảng số đến hộ gia đình, các ngành, các địa phương
đã phổ cập nhanh các ứng dụng cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung
và liên tục cập nhật những ứng dụng mới để người dân sớm tiếp cận, sử
dụng. Ngoài công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại
chúng, qua các hội nghị tập huấn thì 2.160 tổ công nghệ số cộng đồng ở 100%
thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư đã phát huy vai trò là lực lượng đưa nền
tảng số đến từng hộ gia đình một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Bằng cách
“đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hơn 16 nghìn thành viên nòng cốt là lực lượng đoàn
viên, thanh niên đã kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng
công nghệ số thanh toán trực tuyến, tra cứu thủ tục hành chính; hỗ trợ cài
đặt định danh điện tử... Các doanh nghiệp viễn thông cũng tích cực đưa những
nền tảng số đến với người dân thông qua việc hỗ trợ người dân cung ứng trao đổi
hàng hóa trên sàn giao dịch điện tử; sử dụng chữ ký số, hợp đồng số và thanh
toán số.
Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự góp sức
của các doanh nghiệp, tổ công nghệ số cộng đồng, các nền tảng số dần được
người dân sử dụng trải nghiệm và cảm nhận được những lợi ích thiết thực phục vụ
đời sống, công việc hàng ngày. Điều này không chỉ giúp họ thụ hưởng các cơ
hội từ cuộc cách mạng công nghệ mà còn là nền tảng để thúc đẩy phát triển
XHS. Trong các hệ thống nền tảng CSDL của tỉnh, hệ thống quản lý văn
bản, dịch vụ công và nền tảng thanh toán trực tuyến được ứng dụng nhiều và
hiệu quả nhất; tiếp đến là các nền tảng ứng dụng phục vụ giải trí và kinh
tế. Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến tăng lên đáng kể.
Số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt trên 90% tổng số hồ sơ thủ tục hành chính cơ
quan quản lý Nhà nước tiếp nhận. Toàn tỉnh đã có gần 860 nghìn tài khoản định
danh điện tử mức 1, mức 2 được kích hoạt, đạt 100%, đứng thứ 2 toàn quốc; gần
1,5 triệu người được đồng bộ số thẻ căn cước công dân với thẻ bảo hiểm y tế,
đạt 88,16%; 284/284 cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện tiếp nhận người bệnh
thay thế bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip. Tỷ trọng giá trị tăng
thêm của KTS của tỉnh chiếm khoảng 12% GRDP; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có
tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc
tổ chức được phép hoạt động khác ước đạt trên 75%...
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư
phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dịch vụ số, bảo đảm đáp ứng yêu cầu của CĐS
và phục vụ người dân, doanh nghiệp. Có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh
nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh chuyển dịch từ cung cấp các dịch vụ
truyền thống sang cung cấp các dịch vụ số, nền tảng số làm cơ sở thúc đẩy CĐS
trong các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh;
xây dựng, phát triển nền tảng đô thị thông minh IOC của tỉnh; xây dựng, phát
triển nền tảng quản lý dữ liệu dùng chung của tỉnh và các nền tảng số, ứng dụng
số phục vụ người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu để mỗi hộ gia đình có một đường
truyền cáp quang băng rộng; mỗi người dân một điện thoại thông minh, một danh
tính điện tử, một chữ ký số cá nhân, một tài khoản thanh toán số, một tài khoản
thanh toán trực tuyến, một tài khoản đảm bảo an toàn thông tin mạng./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương
Báo Nam Định